Cần Giuộc tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Cần Giuộc tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An triển khai nhiều dự án (DA) lớn, DA động lực, trọng điểm, trong đó công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là khâu khó khăn nhất. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện từng bước tháo gỡ khó khăn trong GPMB, góp phần phát triển KT – XH địa phương, tạo việc làm, cải thiện và nâng chất lượng cuộc sống người dân.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Cần Giuộc là huyện trọng điểm về phát triển KT – XH của tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, quyết định chủ trương đầu tư 94 DA khu, cụm công nghiệp, đô thị, dân cư, tái định cư, dân cư – tái định cư, thương mại và dịch vụ, nghĩa trang,… với diện tích khoảng 5.800ha và 11 công trình trọng điểm của Trung ương, tỉnh, huyện với tổng diện tích khoảng 634ha. Ngoài ra, UBND tỉnh có chủ trương ghi nhận cho các công ty tài trợ lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 22 DA, diện tích gần 8.000ha.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, ngay khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/HU, ngày 16/12/2021 thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 7497/KH-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND huyện, nhiều DA được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường.

Theo Bí thư Huyện ủy cần Giuộc – Trương Thanh Liêm, huyện chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn có nhiều DA đầu tư (mục tiêu công nghiệp, tái định cư, dân cư, đô thị, thương mại – dịch vụ, nghĩa trang) và các chủ đầu tư DA dân cư nhỏ, lẻ chậm tiến độ, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB đưa DA đi vào hoạt động. Đặc biệt, huyện đẩy nhanh tiến độ giao nền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân được tái định cư; tổ chức đoàn đến thăm và làm việc các doanh nghiệp, tiếp xúc, đối thoại với người dân và doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, doanh nghiệp cũng như kiến nghị các sở, ngành tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định của pháp luật. Song song đó, huyện quán triệt quan điểm chỉ đạo UBND huyện, các ngành huyện, cấp xã và chủ đầu tư phân tích đánh giá khả năng vận động và phân loại các trường hợp còn lại của DA thành các nhóm để có giải pháp vận động hiệu quả. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã quán triệt quan điểm chỉ đạo tất cả cán bộ, đảng viên và người thân của cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành chủ trương và sớm nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Tháng 8/2022, ông Trương Thanh Liêm cùng lãnh đạo UBND huyện, các ngành liên quan có cuộc làm việc với Công ty TNHH Hải Sơn về tiến độ triển khai các DA do công ty đầu tư, hợp tác cùng các nhà đầu tư khác đầu tư trên địa bàn xã Long Thượng. Theo đó, Công ty TNHH Hải Sơn đầu tư 3 DA trên địa bàn xã Long Thượng, bao gồm DA Cụm công nghiệp Long Thượng; DA Khu dân cư – tái định cư và nhà ở công nhân phục vụ cho dự án Cụm công nghiệp Long Thượng; DA Khu dân cư – tái định cư. Tại cuộc làm việc này, ông Trương Thanh Liêm yêu cầu chủ đầu tư tích cực phối hợp chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường, giao mặt bằng dứt điểm trong năm 2022. Đồng thời, công ty đẩy nhanh tiến độ bàn giao nền tái định cư cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Bên cạnh đó, công ty cần tập trung hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các dự án để bảo đảm cuộc sống người dân.

Phấn đấu trở thành thành phố Cảng – đô thị loại III

Theo Huyện ủy Cần Giuộc, 9 tháng năm 2022, huyện chi trả được trên 530 hộ gia đình, cá nhân, 2 tổ chức, diện tích hơn 95ha với tổng số tiền trên 1.100 tỉ đồng. Từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021, huyện đã thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ được 667 hộ, 3 tổ chức, diện tích trên 122ha với tổng số tiền trên 1.300 tỉ đồng. Đồng thời, huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 23 trường hợp, tổ chức tiếp xúc, vận động 11 trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Công tác bồi thường, GPMB tuy có tập trung quyết liệt nhưng kết quả vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có của huyện. Trong đó, do địa bàn huyện tiếp giáp TP.HCM; giá đất biến động tăng, việc xác định đơn giá bồi thường gặp khó khăn, giá bồi thường giữa thời điểm phê duyệt với thời điểm bồi thường có sự chênh lệch, đặc biệt là đơn giá chuyển nhượng lô nền trong khu dân cư, đô thị, tái định cư đã hoàn thiện hạ tầng nên dẫn đến sự so bì, khiếu nại, ảnh hưởng đến việc GPMB.

Ông Trương Thanh Liêm nhấn mạnh, với quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Cần Giuộc trở thành thành phố Cảng – đô thị loại III, thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế hiện có, kế thừa những kinh nghiệm đã qua và khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trước đây, phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025; các chương trình đột phá, công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Tập trung triển khai, thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/HU của Huyện ủy, thực hiện Nghị quyết số 25 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhất là tại các khu vực quy hoạch các công trình trọng điểm; quản lý chặt công tác cấp phép xây dựng; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng, bảo đảm chất lượng theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế về đêm và tăng thu ngân sách. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cán bộ, đảng viên. Tăng cường cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong khởi nghiệp, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện,…/.

Thanh Nga

Nguồn : Báo Long An

Xem các tin khác: